9/08/2018
Từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường địa ốc tỉnh Bình Dương bổng nhiên sôi động bất thường, kéo theo đó là hàng loạt dự án căn hộ mới được đầu tư xây dựng, các công ty môi giới mở văn phòng hoạt động như “nấm mọc sau cơn mưa”. Vậy đâu là nguyên nhân đang làm thị trường BĐS Bình Dương sôi động trở lại sau gần 20 năm trầm lắng?
Nguồn cung mới rầm rộ bung hàng, hình thành thị trường nhiều tiềm năng
Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, trong năm 2018, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 40 dự án nhà ở tương ứng với 235,38ha đất và khoảng 1,059 triệu m2/sàn nhà ở được cung cấp ra thị trường và đã đưa vào sử dụng 2.262 căn với tổng diện tích sàn khoảng 107.837,44m2/sàn nhà ở xã hội.
Rõ ràng trong năm 2018, nguồn cung về bất động sản nhà ở tăng trưởng mạnh so với các năm trước và nguồn cung này đã góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có nhu cầu để ở, đa dạng phân khúc trong thời gian hiện tại.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có 381 dự án nhà ở được UBND tỉnh chấp thuận cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở. Trong đó, tại TP Thủ Dầu Một có 50 dự án; Thị xã Dĩ An có 109 dự án; Thị xã Thuận An: 96 dự án; Thị xã Bến Cát có 38 dự án; Thị xã Tân Uyên: 42 dự án; Huyện Bàu Bàng vừa được chấp thuận 27 dự án; Huyện Bắc Tân Uyên có 14 dự án; Huyện Phú Giáo: 3 dự án; Huyện Dầu Tiếng: 2 dự án.
Mặc dù những năm gần đây thị trường BĐS Bình Dương chưa tạo được những điểm bùng nổ nhưng với những hoạch định chính sách vĩ mô tốt lại có lợi thế rất lớn là tiếp giáp với thị trường BĐS TP.HCM sôi động và thuộc quy hoạch Vùng đô thị TPHCM mở rộng, nhiều chuyên gia cho rằng Bình Dương đang có rất nhiều tiềm năng phát triển BĐS cao cấp.
Đầu tiên, có thể thấy rằng, Bình Dương là cầu nối của trục hành lang kinh tế TP.HCM với các tỉnh Tây nguyên. Trong quy hoạch liên kết vùng TP.HCM mở rộng, Bình Dương được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch là tiểu vùng đô thị trung tâm, gồm TP.HCM và vùng phụ cận như: TP.Thủ Dầu Một, TX.Dĩ An, TX.Thuận An, TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên (Bình Dương).
Ngoài ra, Bình Dương là tỉnh có quỹ đất sạch lớn, có thể phát triển các dự án BĐS ngay cạnh TP.HCM, đáp ứng được nhu cầu ở thực của cư dân địa phương và người dân thành phố. Ngoài ra, Bình Dương có 28 khu công nghiệp đang hoạt động và có hơn 1 triệu công nhân đang làm việc. Công ăn việc làm ổn định, thu nhập khá khiến cho phần lớn trong số họ đều có nhu cầu nhà ở để “an cư lạc nghiệp”.
Theo nhận định của một số doanh nghiệp trong ngành, thị trường BĐS Bình Dương đang có xu hướng phát triển theo chiều sâu với các dự án quy mô lớn, được quy hoạch đồng bộ, đầu tư bài bản… Đặc biệt, nhờ giá bán sản phẩm hiện phù hợp với khả năng tài chính của đa số người dân nên đang có xu hướng người lao động ở TP.HCM, Đồng Nai tìm đến Bình Dương mua nhà đất để ở.
Mặt khác, tỉnh Bình Dương đang tích cực làm việc cùng chính quyền TP.HCM và tỉnh Đồng Nai để hợp tác đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiều dự án giao thông kết nối. Trong đó, hai dự án quy mô lớn nhất hiện đang được các bên xúc tiến kêu gọi nhà đầu tư là dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 13 và kéo dài tuyến metro số 1 từ TP.HCM về đến trung tâm thành phố Bình Dương.
Là một doanh nghiệp địa ốc đang phát triển tại Bình Dương, ông Ngô Quang Phúc – Tổng giám đốc Phú Đông Group, cho rằng thị trường Bình Dương vẫn là điểm đến, điểm đầu tư hấp dẫn hàng đầu trong khu vực miền Đông Nam bộ nói riêng và miền Nam nói chung. Dự báo, năm 2019, thị trường bất động sản tỉnh Bình Dương vẫn tiếp tục phát triển, do tốc độ đô thị hóa và sự tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là phát triển công nghiệp của tỉnh.
“Nhiều nhà đầu tư bất động sản trong và ngoài nước đang có xu hướng quay trở lại Bình Dương sau thời gian đầu tư ở Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh. Bởi so với các khu vực khác, thị trường đất nền Bình Dương tương đối an toàn, vốn đầu tư thấp nhưng nhiều tiềm năng tăng giá trị”, ông Phúc cho biết.
Cũng theo ông Phúc, nếu như thời gian trước các dự án bất động sản tập trung phần lớn ở thành phố mới Bình Dương, TP Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát thì gần đây sự sôi động lại diễn ra tại thị xã Dĩ An, thị xã Tân Uyên. Nguyên nhân chủ yếu là do hạ tầng giao thông khu vực phía Đông tỉnh Bình Dương đang được đầu tư ồ ạt theo chiến lược hình thành tam giác kinh tế Bình Dương – TPHCM – Đồng Nai.
Thông tin TPHCM và Bình Dương đang hợp tác xúc tiến kêu gọi nhà đầu tư rót vốn mở rộng tuyến Quốc lộ 13 đã “kích” thị trường nhà đất vùng giap1 ranh giữa 2 địa phương bùng nổ mạnh.
“Cú hích” metro kéo dài
Hiện nay, ngoài đường vành đai 3, vành đai 4, đại lộ Mỹ Phước – Tân Vạn – Nhơn Trạch, ĐT 746, ĐT 747B mở rộng, sắp tới các khu vực này còn đón thêm nhiều công trình giao thông “tỉ đô”. Có thể kể đến như tuyến cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, cao tốc TPHCM – Lộc Ninh, metro thành phố mới Bình Dương – Uyên Hưng – Tân Thành, metro Dĩ An – Tân Uyên, kéo dài metro Bến Thành – Suối Tiên đến thị xã Dĩ An…
Mới đây nhất, HĐND tỉnh Bình Dương tại kỳ họp thứ 9 (bất thường) đã thông qua tờ trình về chủ trương đầu tư dự án cải tạo, mở rộng QL13 được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) và hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT). QL 13 là trục giao thông xương sống của hệ thống giao thông tỉnh Bình Dương và nằm trong hệ thống đường Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), có tên quốc tế là AH13 (ASEAN Highway). Đường này có ý nghĩa như chiếc đòn bẩy nâng cao vị thế của Bình Dương từ tỉnh nghèo thuần nông lên vị trí dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp, đô thị, thu hút đầu tư.
Theo Công ty Nippon Koei, thời gian qua, dự án tuyến metro số 1 kéo dài đến Đồng Nai và Bình Dương đã được đơn vị này nghiên cứu sơ bộ, nhưng do một số nguyên nhân khách quan nên phải tạm dừng.
Đến nay, nhiều điều kiện thuận lợi hơn nên đã cho phép đơn vị tái khởi động dự án này. Nippon Koei đã làm việc với các địa phương (TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương) để thống nhất về chủ trương đầu tư, nhằm tiếp tục lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Đặc biệt, theo nhà đầu tư này, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng có ý định tài trợ nguồn vốn cho dự án này, Công ty Nippon Koei sẽ thông báo với JICA và tiến hành cập nhật các thông tin. Từ nay đến thời điểm tuyến metro số 1 đi vào khai thác, đơn vị tư vấn sẽ phối hợp với các địa phương làm những thủ tục cần thiết để có thể khởi công được đoạn metro kéo dài này.
Công ty Nippon Kioe đề xuất, đoạn metro kéo dài sẽ là một dự án độc lập với tuyến metro số 1 hiện hữu, như vậy các thủ tục đầu tư sẽ thuận lợi hơn. Theo nghiên cứu của đơn vị tư vấn, dự án tuyến metro kéo dài có hướng tuyến cụ thể là: từ Ga Suối Tiên hiện nay kéo dài thêm 2km đến khu vực Bình Thắng (TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương), xây dựng 1 nhà ga tại đây; sau đó tuyến metro sẽ tách ra đi theo 2 hướng về TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) và đi trung tâm TX.Dĩ An (tỉnh Bình Dương).
Chưa hết, TP.HCM cũng vừa có văn bản kiến nghị Trung ương sớm xem xét hoàn thiện các thủ tục liên quan để đẩy nhanh tiến độ khởi công dự án tuyến đường Vành đai 3. Theo quy hoạch, dự án đường vành đai 3 đi qua địa phận các tỉnh, thành như Đồng Nai, TP.HCM, Long An, Bình Dương có chiều dài hơn 90km.
Vì thế, thời gian gần đây hàng loạt chủ đầu tư đã tìm đến khu vực này phát triển dự án như Kim Oanh, Phú Đông Group, Samland, Phú Hồng Thịnh, Vạn Xuân Group và cả “ông lớn” Vingroup. Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) vừa cho biết trong năm nay sẽ đầu tư một dự án rộng gần 2ha tại thị xã Thuận An, Bình Dương. Ngoài ra, đơn vị này còn đang sở hữu một quỹ đất khá lớn, khoảng gần 65ha tại Bình Dương làm “của để dành” cho các chiến lược phát triển trong tương lai.
Sau Vingroup, một đại gia BĐS khác là Quốc Cường Gia Lai bắt đầu có động thái đầu tiên thể hiện sự quan tâm đến BĐS Bình Dương với việc thành lập Công ty Chánh Nghĩa Quốc Cường để xây dựng một số dự án tại đây.
Tương tự, Thiên Minh Group mới đây đã bắt tay cùng một đối tác phát triển khu dân cư quy mô ngay tại trung tâm Bình Dương. Tập đoàn Đất Xanh cũng vừa thâu tóm quỹ đất rộng hơn 80ha để chuẩn bị phát triển các dự án căn hộ ngay cạnh đấy. Phú Đông Group cũng không muốn “thua kém” khi vừa tuyên bố trong năm 2019 này sẽ cho ra thị trường hơn 700 căn hộ giá hợp túi tiền tại Bình Dương.
Không chỉ nguồn cung gia tăng, giá bất động sản Bình Dương cũng thiết lập một mặt bằng mới, nhiều dự án trong đợt mở bán lần đầu đã đưa ra mức giá 30 – 35 triệu đồng/m2, tăng tới 20 – 30% so với thời điểm cuối năm 2018.
Theo dự báo của các chuyên gia, nguồn cung bất động sản Bình Dương sẽ tiếp tục bùng nổ từ nay cho đến cuối năm 2019. Đặc biệt, thị trường sẽ xuất hiện những đợt sóng mới với các dự án từ vài chục đến hàng trăm hécta và có thể lập mặt bằng giá mới vào cuối năm.
Đặ biệt, mới đây, tín hiệu dòng vốn ngoại đổ bộ vào thị trường bất động sản Bình Dương đã xuất hiện, nhưng không phải là nhà ở, mà là bất động sản công nghiệp. Cụ thể, Quỹ Warburg Pincus của Mỹ bắt tay với Becamex IDC thành lập liên doanh bất động sản công nghiệp, đón đầu làn sóng dịch chuyển nhà máy từ các nước châu Á vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bình Dương và TP. Daejeon (Hàn Quốc) đã thực hiện nhiều chương trình hợp tác trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa – xã hội và đẩy mạnh việc đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Bình Dương.